NHỮNG ĐIỀU CƠ BẢN VỀ SUBSCRIPTION ECOMMERCE

Oct 09, 2024 58 mins read

Subscription eCommerce hay thương mại điện tử dựa trên đăng ký, nghe như một khái niệm mới với nhiều doanh nghiệp, tuy nhiên, mô hình này rất quen thuộc nếu ta hiểu nó theo một cách đơn giản. Ví dụ như bạn đang kinh doanh nhà hàng hải sản và hàng ngày, bạn phải liên hệ với bên cung cấp để đảm bảo nguồn hàng được đầy đủ.

Subscription eCommerce hay thương mại điện tử dựa trên đăng ký, nghe như một khái niệm mới với nhiều doanh nghiệp, tuy nhiên, mô hình này rất quen thuộc nếu ta hiểu nó theo một cách đơn giản. Ví dụ như bạn đang kinh doanh nhà hàng hải sản và hàng ngày, bạn phải liên hệ với bên cung cấp để đảm bảo nguồn hàng được đầy đủ.

Bằng việc nhận hàng một cách định kỳ, có thể theo tháng hoặc tuần, mô hình này chính là subscription ecommerce. Với mô hình này, người dùng thường sẽ nhận được một số lợi ích nhất định như giảm giá, khuyến mãi hoặc đơn giản là được mua hàng với giá sỉ dành cho đại lý từ phía nhà cung cấp.

Bạn đã phần nào mường tượng được mô hình này vận hành như thế nào? Hãy cùng Secomm tìm hiểu rõ hơn về hoạt động kinh doanh này.

Subscription eCommerce Là Gì?

Subscription eCommerce hay còn gọi là thương mại điện tử đăng ký, là mô hình kinh doanh mà khách hàng trả phí định kỳ để nhận sản phẩm, dịch vụ hoặc quyền truy cập vào một nền tảng. Mô hình này ngày càng phổ biến với nhiều ưu điểm cho cả doanh nghiệp và khách hàng.

Ba loại hình phổ biến của subscription eCommerce:

  • Đăng ký nhận sản phẩm/dịch vụ định kỳ

Với loại hình này, khách hàng sẽ cần trả phí định kỳ (tháng, quý, năm) để nhận sản phẩm hoặc dịch vụ được giao đến tận nhà một cách đều đặn. Một số ví dụ điển hình như thẻ tập gym theo tháng, giao sữa tươi hàng ngày, v.v. Với loại hình này, khách hàng sẽ được tận hưởng sự tiện lợi của việc không cần phải ra tận cửa hàng thường xuyên. Hơn thế, về phía doanh nghiệp, họ sẽ có thể dễ dàng quản lý tài nguyên cũng như hoạch định các dự án tốt hơn.

  • Chương trình hội viên

Ở loại hình này, khách hàng sẽ trả phí hoặc đăng ký miễn phí để trở thành hội viện của nhãn hàng, từ đó, họ sẽ nhận được các ưu đãi độc quyền như voucher, thông tin khuyến mãi, quà tặng, v.v. Một vài ví dụ điển hình như: “Hội Cam” của Guardian Vietnam với quyền lợi tích điểm đổi quà, giảm giá cho thành viên, hay chương trình “SkyJoy” của Vietjet Air với ưu tiên đặt vé, tích điểm đổi vé máy bay, v.v. Với loại hình này, doanh nghiệp có thể thu được một lượng dữ liệu quý giá từ thông tin các hội viên, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ để kích cầu mua sắm từ khách hàng.

  • Phần mềm dạng dịch vụ (SaaS)

Đây là loại hình mà khách hàng trả phí theo tháng/năm để sử dụng phần mềm được cung cấp qua internet. Ví dụ như phần mềm thiết kế trực tuyến Canva hay bộ ứng dụng văn phòng Microsoft 365. Với SaaS, doanh nghiệp có thể tiết kiệm kha khá chi phí khi không cần đầu tư quá nhiều vào phần mềm, hơn thế, khách hàng có thể sử dụng trực tuyến thông qua các trình duyệt web mà không cần tải về. 

Thị trường subscription eCommerce đang tăng trưởng rất ổn định trong những năm gần đây với quy mô thị trường toàn cầu đạt 193.6 tỷ USD vào năm 2023. Hơn nữa, con số này được dự báo sẽ đạt mức 5,014.4 tỷ USD vào năm 2032, với mức tăng trưởng là 43.56% trong 9 năm (2024 – 2032).

Tuy nhiên, làm sao để một nhà bán hàng mới có thể tận dụng tối đa tiềm năng của loại hình thương mại điện tử này vẫn luôn là một chủ đề khá thú vị. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu rõ vấn đề này thông qua những lợi ích cũng như những hạn chế của subscription eCommerce nào.

Lợi Ích Của Subscription Ecommerce Đối Với Doanh Nghiệp

 

Mô hình thương mại điện tử này không chỉ đơn thuần là một xu hướng, mà nó còn là một phương pháp chiến lược hiệu quả trong thời đại số này để mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, từ việc có thể dự đoán được doanh thu định kỳ, cho đến việc củng cố mối quan hệ toàn diện với khách hàng.

Dự Đoán Được Dòng Doanh Thu Định Kỳ

Khác với các giao dịch một lần, mô hình subscription eCommerce cho phép doanh nghiệp có thể dự đoán được dòng doanh thu của họ trong một giai đoạn nhất định. Với việc này, doanh nghiệp có thể dễ dàng xây dựng các kế hoạch sắp tới dựa vào dự toán ngân sách hiện tại từ nguồn doanh thu từ các khách đang sử dụng dịch vụ, và nếu có vấn đề liên quan đến việc chênh lệch ngân sách, sự điều chỉnh có thể xảy ra ở mức tối thiểu nhất.

Tăng Cường Mối Quan Hệ với Khách Hàng 

Không chỉ đơn thuần là việc giao dịch, subscription eCommerce còn là nền tảng để các doanh nghiệp có thể củng cố mối quan hệ của họ với khách hàng cho một mục tiêu dài hạn. Theo một thống kê từ Zuora, 93% người dùng đăng ký các dịch vụ cho rằng các công ty nên tăng cường đầu tư vào nâng cao sự hài lòng của khách hàng. Với mô hình subscription eCommerce, điều này là hoàn toàn có thể khi mà các nhà bán hàng có thể tận dụng tối đa nguồn dữ liệu mà họ có sẵn về khách hàng để từ đó hoạch định ra một chiến lược kinh doanh tốt hơn, gia tăng tỷ lệ khách hàng quay lại cũng như tạo dựng sự tin tưởng nơi khách hàng.

Sử Dụng Insight Hiệu Quả

Việc thấu hiểu khách hàng không chỉ dừng lại ở những tương tác thông thường, mà nó còn là việc kỹ càng phân tích hành vi và sở thích của họ theo thời gian. Thông qua việc áp dụng mô hình đăng ký, các nhà bán hàng sẽ có một cái nhìn sâu sắc hơn về hành vi tiêu dùng của khách hàng, thói quen cũng như sở thích mua sắm của họ. Và với những dữ liệu quý báu thu được trong suốt quá trình này, các nhà bán hàng có thể dễ dàng tùy chỉnh sản phẩm và dịch vụ của mình, cũng như các chiến lược tiếp thị một cách hiệu quả nhất cho nhóm khách hàng mục tiêu. Không những thế, việc thu thập các thông tin thiết yếu qua mô hình đăng ký này góp phần không nhỏ vào việc giảm thiểu chi phí cho quá trình nghiên cứu thị trường.

Sử Dụng Hiệu Quả Ngân Sách Tiếp Thị

Các doanh nghiệp cần lưu ý sử dụng một cách hiệu quả nguồn dữ liệu quý giá từ mô hình subscription eCommerce để có thể tối ưu một cách triệt để ngân sách cho các chiến dịch tiếp thị. Thông thường, việc nghiên cứu thị trường để có thể xây dựng một chân dung khách hàng hoàn chỉnh là vô cùng khó và tốn chi phí. Tuy nhiên, nếu có thể sử dụng được những dữ liệu từ người đăng ký, doanh nghiệp có thể cắt giảm một phần của ngân sách tiếp thị, giúp cho việc chi tiêu hiệu quả hơn về lâu dài. Không những thế, bằng việc thu thập một lượng lớn dữ liệu khách hàng, doanh nghiệp sẽ có một cái nhìn đúng đắn và sâu sắc hơn về tệp khách hàng chủ đạo, từ đó có thể đem yếu tố cá nhân hoá vào các chiến dịch, tăng tính hiệu quả cho các hoạt động của chiến dịch.

Tối Đa Hoá Cơ Hội Bán Hàng

Những khách hàng đã đăng ký dịch vụ thường có xu hướng tiếp tục gia hạn, thậm chí là sử dụng thêm các sản phẩm từ phía công ty nếu họ thấy hài lòng giá trị mà công ty mang lại. Mô hình đăng ký không chỉ là cầu nối để doanh nghiệp tạo dựng uy tín, mà còn là chất xúc tác thúc đẩy khách hàng chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm đi kèm. Ví dụ điển hình là các trung tâm thể hình, không chỉ cung cấp gói tập luyện, họ còn có thể giới thiệu các sản phẩm phụ trợ như dụng cụ tập luyện hay thực phẩm bổ sung với những ưu đãi đặc biệt dành cho những khách hàng đã đăng ký.

Xây Dựng Mô Hình Subscription Ecommerce Hiệu Quả

Việc hiểu rõ mục đích của mô hình subscription eCommerce là rất quan trọng trong việc định hình một chiến dịch thành công, dù mục tiêu của bạn là tăng doanh thu, tăng lợi nhuận hay mở rộng kinh doanh. Bởi lẽ, chính mục tiêu này sẽ là kim chỉ nam cho quá trình xây dựng chân dung khách hàng cũng như lựa chọn chiến lược giá cả phù hợp cho chiến dịch của doanh nghiệp.

Chẳng hạn, nếu bạn muốn tăng biên lợi nhuận trong quý sắp tới cho một chiến dịch đặc biệt, hãy xem xét điều chỉnh các lợi ích trong các gói đăng ký để thu hút một lượng lớn khách hàng trong thời gian diễn ra. Để thực hiện điều này một cách hiệu quả, các doanh nghiệp cần chú ý đến những điều sau đây.

Đơn giản hóa Quy trình Đăng ký 

Sự dễ dàng trong quy trình đăng ký chiếm một vị trí then chốt trong ngành thương mại điện tử, khi mà quá trình đăng ký càng đơn giản và thân thiện với người dùng thì tỉ lệ chuyển đổi càng cao. Không chỉ thế, việc sử dụng một quy trình đăng ký đơn giản trong mô hình subscription eCommerce còn giúp cho khách hàng có nhiều thiện cảm hơn với doanh nghiệp, thúc đẩy họ hoàn tất việc đăng ký.

Ngoài ra, việc làm nổi bật các dịch vụ đăng ký cũng như khiến chúng dễ dàng truy cập cũng là một điều vô cùng quan trọng. Ví dụ, hãy xem xét “Hội Cam” của Guardian: chương trình hội viên này chỉ được đề cập qua loa thông qua một câu trong mỗi bài đăng trên mạng xã hội, thay vì được nhấn mạnh trong một bài đăng riêng biệt. Tương tự, trên trang web của họ, hướng dẫn để trở thành hội viên được đặt trong một tab nhỏ, không có bất kỳ banner nổi bật nào để chỉ ra sự hiện diện của nó.

Và thậm chí, ngay cả trong các cửa hàng vật lý, chương trình hội viên cũng ít khi được chủ động giới thiệu bởi các nhân viên. Với những yếu tố như trên, trừ khi khách hàng thực sự có nhu cầu mạnh mẽ với việc đăng ký thành viên, nếu không, họ sẽ rất dễ bỏ cuộc vì phải đầu tư công sức vào việc tìm kiếm thông tin hướng dẫn.

Thắt Chặt Mối Quan Hệ Với Khách Hàng

Trong mô hình subscription eCommerce, việc xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ với khách hàng là rất quan trọng. Điều này liên quan đến việc cảm nhận của khách hàng về giá trị mà doanh nghiệp của bạn đang cố gắng cung cấp. Trong trường hợp họ cảm thấy rằng giá trị họ nhận được không xứng với chi phí họ bỏ ra, hay phía công ty không quan tâm đến trải nghiệm của họ thì việc họ cân nhắc các đơn vị khác là điều chắc chắn. Vì vậy, việc củng cố những mối quan hệ với khách hàng theo thời gian là rất quan trọng. Hãy lưu ý rằng, khi đội ngũ kỹ thuật viên có thể hỗ trợ một cách xuất sắc, mặc định, khách hàng sẽ tin tưởng vào thương hiệu hơn, và thậm chí, họ có thể quyết định gia hạn đăng ký của mình.

Cân Bằng Lợi Nhuận và Sự Hài Lòng

Chiến lược giá cả nên phản ánh đúng với sản phẩm hay dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp, với mục tiêu kinh doanh và chân dung khách hàng. Nếu bạn không chắc chắn về sở thích của khách hàng, việc bắt đầu với một gói cơ bản bao gồm các dịch vụ thiết yếu là lời khuyên hợp lý.

Cách tiếp cận này vừa cho phép bạn triển khai dịch vụ của mình mà vừa có thể giữ được sự linh hoạt trong việc điều chỉnh các gói nâng cao. Khi bạn đã thu thập được đủ phản hồi và nhu cầu của khách hàng, bạn có thể điều chỉnh các gói dịch vụ của mình để phù hợp với các nhóm khách hàng khác nhau.

Những Thách Thức Của Mô Hình Subscription Ecommerce

Khi triển khai mô hình subscription eCommerce, việc nhận diện và chuẩn bị sẵn sàng cho các thách thức là điều không thể thiếu để đảm bảo hoạt động kinh doanh không bị gián đoạn.

Duy Trì Tương Tác Với Khách Hàng

Một mô hình đăng ký thành công phụ thuộc vào việc duy trì mối quan hệ lâu dài với khách hàng. Hãy tạo ra sự khác biệt bằng cách cá nhân hóa dịch vụ, cung cấp nội dung độc quyền và các chương trình ưu đãi cho khách hàng cũ, giúp họ cảm nhận được giá trị mà doanh nghiệp bạn đem đến. Đồng thời, đừng quên làm nổi bật những ưu điểm vượt trội của dịch vụ để giảm thiểu nguy cơ cạnh tranh khi khách hàng chuyển sang các bên đối thủ.

Với những khách hàng mới, đừng phức tạp hóa các quy trình đăng ký cũng như tương tác một cách hời hợt, hãy cho họ thấy được những giá trị mà họ sẽ nhận được ngay từ những phút giây đầu tiên của quy trình đăng ký.

Quản Lý Kho Hàng Hiệu Quả 

Đối với những doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, việc cân bằng giữa cung và cầu là vô cùng thiết yếu. Hãy theo dõi sát sao xu hướng tiêu dùng và điều chỉnh lượng hàng tồn một cách linh hoạt. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải luôn chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch dự phòng cho những biến động của chuỗi cung ứng để đảm bảo sự ổn định trong việc phân phối sản phẩm.

Mở Rộng Cơ Sở Hạ Tầng 

Khi số lượng người đăng ký tăng lên, hệ thống hạ tầng của bạn cũng cần phải được nâng cấp để theo kịp tốc độ tăng trưởng. Việc các doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư hợp lý vào công nghệ và hệ thống dữ liệu từ sớm sẽ giúp họ đảm bảo được sự ổn định khi vận hành dù cho lượng khách hàng có tăng đột ngột hay các vấn đề khác về mặt kỹ thuật. Hãy nhớ rằng, trải nghiệm người dùng luôn phải được chú trọng, đừng để khách hàng cảm thấy khó chịu khi sử dụng các dịch vụ mà bạn cung cấp, đặc biệt là với các dịch vụ số như Canva.

Tự động hóa đang là xu hướng của tương lai, chúng đang dần thay thế các quy trình thủ công bằng những hoạt động hiệu quả và mượt mà hơn. Hãy áp dụng trí tuệ nhân tạo vào các công việc hàng ngày, giải phóng sức lực cho đội ngũ của bạn để họ có thể tập trung vào những dự án chiến lược, hay đơn giản là tập trung tốt hơn vào chuyên môn của họ.

Case Study Từ Amazon

Amazon Prime là một ví dụ điển hình về việc áp dụng mô hình subscription eCommerce, điều này đã giúp họ nhận được một loạt lợi ích vượt trội. Với mô hình này ở Amazon Prime, người đăng ký được hưởng các đặc quyền như giao hàng miễn phí trong hai ngày, thư viện nội dung phát trực tuyến phong phú, và các ưu đãi mua sắm độc quyền. Với dịch vụ này, Amazon không chỉ muốn đem lại cho khách hàng việc hoàn thành đơn hàng một cách nhanh chóng, họ còn nhấn mạnh về các giá trị liên tục và sự tiện lợi không ngừng mà khách hàng có thể nhận được.

Amazon Prime case study

Điểm nổi bật của Amazon Prime nằm ở việc kết hợp nhiều dịch vụ thành một gói đăng ký duy nhất, từ đó tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng và nuôi dưỡng niềm tin của họ với thương hiệu. Việc gói gọn chiến lược này là yếu tố quan trọng trong việc giữ chân khách hàng, khẳng định vị thế của Amazon là một trong những doanh nghiệp đi đầu của ngành thương mại điện tử.

Nguồn: secomm